Việc học lập trình Android là một công việc không dễ dàng. Nếu bạn tạo ra được một ứng dụng nổi tiếng, thì bạn sẽ có một nguồn thu nhập thụ động mà nó có thể sinh ra tiền trong nhiều năm ngay cả khi bạn đang ngủ. Hơn thế nữa, bạn sẽ có sự hài lòng rất lớn khi có thể nói với mọi người bạn là một nhà phát triển ứng dụng; và biết rằng bạn đã tạo ra một cái gì đó đang được sử dụng bởi hàng ngàn người trên khắp thế giới.
Không có từ nào diễn tả nổi cảm xúc khi bạn nhìn thấy một ai đó đang sử dụng ứng dụng do chính tay bạn tạo ra. Nhưng với sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, làm thế nào để một người - với một ngân sách tiếp thị rất khiêm tốn - có thể tạo ra một ứng dụng nổi tiếng? Thật không may, không có một câu trả lời nào cho câu hỏi đó. Thay vào đó, hãy bắt đầu với một số điều bạn chắc chắn không nên làm khi mới bắt đầu...

Trở thành một gã bần tiện cứ ôm khư khư lấy ý tưởng của mình

Hầu hết những người muốn bắt đầu phát triển ứng dụng sẽ có một 'ý tưởng lớn' ban đầu. Tại một thời điểm nào đó, một ý tưởng chợt 'lóe lên' trong đầu và họ biết rằng mình đã vấp vào cái gì đó sẽ làm cho họ giàu có và thay đổi thế giới!
Vấn đề là, họ không biết làm thế nào để lập trình và họ cũng không giỏi sử dụng Photoshop hoặc tiếp thị bản thân. Nói cách khác, họ cần sự giúp đỡ.
Làm thế nào để bạn có thể tìm thấy người trợ giúp mà không có rủi ro là họ sẽ cướp lấy ý tưởng của bạn và thực hiện nó cho bản thân họ?
Với tư cách là một lập trình viên, đây là điều tôi thường xuyên gặp phải. Mọi người thường tìm tôi để nhờ viết code cho ứng dụng của họ, nhưng sau đó họ lại từ chối cho tôi biết ứng dụng đó là gì hoặc ngay cả những gì liên quan đến nó.
Làm thế nào để tôi biết liệu mình có thể giúp đỡ họ hay không, nếu họ không cho tôi biết về bản chất của dự án đó? Làm thế nào để tôi có thể cung cấp cho họ một định giá sơ bộ hay bất kỳ lời khuyên nào? Và nếu họ không có kinh nghiệm gì với các ứng dụng, thì tại sao tôi phải dành thời gian quý giá của mình để đi uống cà-phê với họ và ký vào một thỏa thuận không tiết lộ thông tin (NDA)?
Ngay cả một số người bạn thân của tôi cũng từ chối cho tôi biết ý tưởng ứng dụng của họ vì sợ rằng tôi sẽ đánh cắp chúng (tôi đoán là vậy??). Đó là một sự xúc phạm thực sự!
Khi nói đến việc phát triển ứng dụng, quá trình thực hiện quan trọng hơn nhiều so với ý tưởng đó. Những người mà bạn thảo luận về ý tưởng của mình hoặc sẽ thiếu những kỹ năng về kỹ thuật để đánh cắp ý tưởng đó, hoặc họ đang có những dự án riêng với nhiều đam mê mà họ đang theo đuổi. Nói cách khác, không ai muốn ăn cắp ý tưởng của bạn cả.
Và trong trường hợp hiếm hoi mà họ sẽ làm điều đó? Thì dù sao bạn cũng chẳng thể làm gì để ngăn chặn được họ cả - cuối cùng bạn sẽ cần phải bắt đầu nói về ứng dụng của mình! Vì vậy, chỉ có một cách phòng thủ thực sự đó là bạn hãy trở thành người đầu tiên thực hiện ý tưởng đó một cách tốt nhất.

Thích trở thành "roanh nhân"


"Roanh nhân" là một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây. Nó mô tả loại người luôn tỏ vẻ giống như họ đang điều hành một công việc kinh doanh, nhưng thực ra họ không thực sự đang có công việc kinh doanh nào cả.
Điều này gắn với điểm cuối cùng. Việc sắp xếp một cuộc gặp mặt và bắt người ta phải ký vào một thỏa thuận không tiết lộ thông tin (NDA) là một ví dụ điển hình về hình ảnh của một "roanh nhân" (ranh nhân?). Đừng sắp xếp một cuộc gặp mặt với một ai đó, trừ khi đó là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để trao đổi thông tin. Tất nhiên các cuộc gặp mặt trực tiếp là rất hữu ích cho việc xây dựng các mối quan hệ nhưng điều này không phải luôn luôn thích hợp nếu bạn chỉ cần tìm một người nào đó để xem liệu họ sẽ có thể giúp đỡ bạn hay không. Trong những trường hợp này, hẹn gặp mặt sẽ chỉ là một sự lãng phí thời gian của tất cả mọi người.
Giữ cho 'cuộc trao đổi' ở mức tối thiểu và xem xét những giá trị mà bạn sẽ nhận được khi bạn chào mời người ta làm việc cùng với bạn. Đừng thúc ép họ phải nhảy vào làm kinh doanh cùng với bạn, vì điều đó sẽ tạo ra sự bực bội và họ sẽ tránh xa bạn.
Tương tự như vậy, không có gì sai với việc thân thiện và hài hước trong nội dung các bức email trao đổi. Và đừng sử dụng danh từ số nhiều 'chúng ta' khi bạn đang nhờ người ta, trừ khi bạn thực sự đã có một nhóm. Mọi thứ cần minh bạch và rõ ràng ngay từ đầu…

Cố gắng tạo ra một Facebook tiếp theo


Khi các bạn của tôi cho tôi biết về ý tưởng tạo ra một ứng dụng lớn của họ, tôi thường cảm thấy mình tròn xoe đôi mắt (có lẽ đó là lý do tại sao họ không muốn chia sẻ?). Ngay khi ai đó nói với tôi rằng họ đang xây dựng một mạng xã hội, hoặc một cái gì đó đòi hỏi đăng ký tài khoản và tin nhắn riêng (private messaging), tôi thường phải lấy tay che mặt vì cảm thấy ngao ngán. Việc xây dựng một mạng xã hội trên ứng dụng di động là cực khó. Không chỉ là bạn phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp trên máy chủ và các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt, mà bạn cũng cần phải xây dựng một cơ sở người dùng khoảng vài trăm người trước khi ứng dụng của bạn trở nên hấp dẫn. Không ai muốn tham gia vào một mạng xã hội chỉ có cả thảy 6 thành viên cả!
Hãy nhìn vào các ứng dụng trực streaming mới Periscope và Meerkat. Ngay cả khi các ứng dụng này đã nhận được sự chú ý của phương tiện truyền thông lớn trong vài tháng qua, nhưng chúng cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Các ứng dụng như vậy có một kỳ vọng quá lớn và trong khi việc ước mơ lớn là rất tuyệt vời, nhưng nó không mang lại bất kỳ ý nghĩa gì đối với dự án đầu tiên của bạn.
Bạn muốn bắt đầu kiếm tiền từ các ứng dụng? Thì hãy bắt đầu với một cái gì đó đơn giản. Một trong những ứng dụng đầu tiên của tôi là một keyboard, sau đó là một ứng dụng về slideshow hình ảnh và sau đó một tiện ích đếm từ (ở thời điểm đó thì không có bất kỳ ứng dụng nào khác có chức năng đó). Chúng không phải là những ứng dụng nổi đình nổi đám, nhưng tôi chỉ mất vài ngày để tạo ra chúng và chúng cho phép tôi tạo ra một cái gì đó nhanh chóng mà tôi có thể bắt đầu kiếm tiền và học hỏi từ đó.
Nếu bạn có một số tầm nhìn lớn trong việc 'thay đổi cái cách chúng ta làm kinh doanh', thì trước tiên hãy bắt đầu với một cái gì đó nho nhỏ và phát triển nó lên.

Tránh việc chọn lấy con đường ít trở ngại nhất

Một khi bạn đã chọn một ý tưởng ứng dụng đơn giản cho dự án đầu tiên của mình, bước tiếp theo là bắt tay vào thực hiện nó. Hiện nay bạn sẽ có rất nhiều sự lựa chọn: bạn có thể sử dụng một nền tảng phát triển ứng dụng, bạn có thể sử dụngAndroid Studio, bạn có thể sử dụng Basic4Android, bạn có thể sử dụng Corona…
Tất cả những công cụ và/hoặc IDE (Independent Development Environments) để giúp bạn tạo ra ứng dụng một cách dễ dàng. Nếu bạn đang tạo ra một trò game, bạn có thể lựa chọn sử dụng Unity vì nó cung cấp cho bạn một engine làm sẵn cùng giao diện trực quan, và xử lý rất nhiều phần phức tạp giúp bạn. Hoặc bạn luôn có thể thuê ngoài phần lập trình tới một nhà phát triển chứ không phải tự tay làm lấy tất cả mọi thứ.

Vậy thì đâu là sự lựa chọn tốt nhất cho việc xây dựng ứng dụng của bạn? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào bản chất của ứng dụng, quỹ thời gian và trình độ chuyên môn hiện tại của bạn. Nhưng điều quan trọng ở đây là bạn phải chọn cách làm nhanh nhất và ít phức tạp nhất. Đừng trở thành một kẻ học đòi về những công cụ giúp cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
Nếu bạn đang làm một trò game chẳng hạn, thì việc sử dụng Unity sẽ giúp bạn tiết kiệm một lượng lớn thời gian và kết quả cuối cùng sẽ chuyên nghiệp hơn nhiều so với việc bạn tự xây dựng tất cả từ đầu. Đó là bởi vì Unity đã được tạo ra bởi một nhóm các chuyên gia và được tinh chỉnh qua nhiều năm - trừ khi bạn có thể cạnh tranh với số lượng thời gian và kinh nghiệm, còn nếu không thì phần physics engine của họ sẽ luôn luôn tốt hơn so với việc bạn tự xây dựng. Nó sẵn sàng để "plug and play", và thực sự không làm cho cuộc sống của bạn trở nên khó khăn hơn theo bất kỳ ý nghĩa nào. Thậm chí việc sử dụng một trình xây dựng ứng dụng đơn giản thì cũng tốt nếu ứng dụng của bạn chỉ cần để truyền tải thông tin.
Đối với những độc giả quen thuộc với thiết kế web, điều này tương đương với việc xây dựng trang web riêng của bạn từ đầu so với sử dụng WordPress. WordPress, cũng như Unity hoặc một nền tảng nào đó, sẽ cho phép bạn xây dựng một cái gì đó chuyên nghiệp hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn.

Tự làm tất cả mọi thứ

Việc nhờ sự giúp đỡ từ người khác cũng rất quan trọng. Đừng cố gắng để tự ngồi tạo ra tất cả phần đồ họa trừ khi đấy là một kỹ năng bạn đặc biệt giỏi. Điều tương tự cũng đúng với phần âm thanh cho game.
Bạn có thể tìm thấy các nhà thiết kế đồ họa giỏi trên các trang web như Fiverr, UpWork hoặc Elance và họ có thể tạo ra sản phẩm chuyên nghiệp hơn trong khoảng thời gian ít hơn. Hãy tập trung vào những gì bạn giỏi nhất và để cho người khác xử lý phần còn lại.
Nếu bạn đang đi thuê một nhà phát triển, thì hãy kiểm tra kỹ để đảm bảo rằng họ là người giỏi thông qua những công việc mà họ đã làm trước đó. Hãy hỏi xem những sản phẩm công việc của họ và tìm kiếm một người nào đó ở gần khu vực bạn sống, để bạn có thể đẩy nhanh quá trình sàng lọc.

Bỏ qua quá trình kiểm chứng ý tưởng

Ngay cả khi bạn đang tạo ra một ứng dụng nhỏ theo cách đơn giản nhất có thể, bạn vẫn sẽ cần đầu tư một số lượng hợp lý về thời gian và/hoặc tiền bạc vào quá trình sáng tạo ra nó. Đó là lý do tại sao đừng bắt tay vào xây dựng cho đến khi bạn biết chắc chắn rằng có một thị trường ngoài kia dành cho bạn.
Điều này được gọi là 'xác nhận' ý tưởng - mà chủ yếu là tìm kiếm những bằng chứng rằng bạn có đủ quan tâm đến những gì bạn đã lên kế hoạch để làm cho sự phát triển là đáng giá.
Sử dụng việc huy động vốn cộng đồng qua trang Kickstarter là một cách tuyệt vời để xác nhận một ý tưởng và để có kinh phí để tuyển dụng các lập trình viên và designer (mặc dù nó vẫn không đảm bảo thành công). Ngoài ra, bạn có thể làm theo cách 'fail fast (tạm dịch là thất bại nhanh chóng)' thông qua việc phát hành một phiên bản MVP (minimum viable product - tối thiểu mà có thể sống được) để kiểm tra thị trường trước khi đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực để phát triển nó xa hơn.
Cũng có những chiến lược khác để xác nhận một ý tưởng: chẳng hạn như tiến hành các cuộc khảo sát, hỏi xung quanh trên các diễn đàn, xây dựng một mailing list hoặc tìm kiếm các ứng dụng tương tự như của bạn để xem cách họ đang thực hiện.
Hãy suy nghĩ về 'con đường đưa sản phẩm đến thị trường của bạn' và bất kỳ mối quan hệ nào mà bạn đã có để hợp tác. Nếu bạn tình cờ quen một biên tập viên của tờ tạp chí dành cho người làm vườn Gardening Weekly, thì hãy tạo ra một ứng dụng nhắm đến những người làm vườn là một ý tưởng thông minh. Tôi đã tạo ra một ứng dụng cùng với một vlogger rất nổi tiếng trên YouTube và điều đó có nghĩa là tôi có thể khá chắc chắn sản phẩm sẽ có được một lượng lớn khán giả. Với việc giảm thiểu rủi ro, cho phép chúng tôi dành nhiều thời gian trên ứng dụng trước khi phát hành phiên bản đầu tiên của nó.
Tóm lại, bạn cần phải xem xét làm thế nào để bán ứng dụng của bạn trước khi bạn tạo ra nó và bạn đừng dành ra nhiều tháng và nhiều năm trời để xây dựng một cái gì đó, trừ khi bạn có thể khá chắc chắn rằng nó sẽ không chết yểu.Tôi biết một người đã dành ra 2 năm để xây dựng một ứng dụng, thuê một đội ngũ luật sư và thậm chí trả tiền để mua tên thương hiệu; nhưng sản phẩm cuối cùng chỉ bán được khoảng 3 bản…
Như bạn có thể tưởng tượng, người ta có thể rất nhanh chóng mất đi sự nhiệt tình của mình trong việc phát triển ứng dụng.

Kết luận: Hãy giữ cho nó đơn giản!

Nếu bạn đang xây dựng một ứng dụng hoàn toàn vì sở thích hoặc chỉ để cho vui thì bạn có thể bỏ qua tất cả mọi thứ tôi vừa nói. Bài viết này dành cho những ai muốn bắt đầu kiếm tiền từ các ứng dụng . Nếu bạn đang tìm cách để áp dụng điều này vào công việc kinh doanh của mình để có thể thoát khỏi kiếp trâu ngựa làm thuê, hoặc nếu bạn có kế hoạch để bổ sung vào nguồn thu nhập hiện tại của mình, thì bạn nên tập trung vào ROI (giá trị mang lại trên những gì bỏ ra). Điều đó có nghĩa là đánh giá rủi ro đối với các tiềm năng lợi nhuận và tìm cách giảm chi phí phát triển của bạn - cả về tài chính và thời gian.
Cố gắng đừng sa vào những ý tưởng tạo ra ứng dụng làm thay đổi thế giới. Bạn cũng có nhiều cơ hội và khả năng để kiếm tiền từ một cái gì đó đơn giản và dễ dàng và không có gì sai với điều đó cả. Ngoài Mark Zuckerberg, có vô số người làm giàu từ những ứng dụng đơn giản nhưng hữu ích.
Và phần tốt nhất về mô hình kinh doanh này là nó rất có thể sẽ lặp lại. Nếu ứng dụng đầu tiên của bạn không thành công, hãy gạt bỏ và làm lại. Có rất nhiều niềm vui và những bài học mà bạn sẽ nhận được trong quá trình đó. Nếu bạn trải qua đủ số lần thất bại - miễn là chúng là những ý tưởng mà bạn luôn tin vào - thì cuối cùng không sớm thì muộn bạn sẽ gặt hái thành công!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top